Lịch sử phát triển Boeing AH-64 Apache

Lockheed AH-56 Cheyenne.
Bell AH-1S.
Nguyên mẫu Hughes YAH-64 năm 1976
YAH-64 bay thử nghiệm tại Căn cứ Fort Belvoir, Virginia, Mỹ, năm 1982.

Những năm đầu thập niên 1950, khi trực thăng dần hoàn thiện, đã có khá nhiều nước trên thế giới bắt tay vào nghiên cứu chế tạo nhưng đa số trực thăng chỉ làm nhiệm vụ vận tải, trinh sát, sơ tán cứu thương. Sau đó, Mỹ nhận thấy quân đội nước này cần một loại trực thăng có khả năng vũ trang, hỗ trợ bộ binh đổ bộ từ trên không, vì vậy họ đã thử nghiệm một số loại trực thăng mang thêm súng máy và rocket như Bell-47, OH-13, Sikorsky S-51 H-19 và Piasecki H-21.

Năm 1954, Pháp đã dùng một chiếc trực thăng Sud-Ouest SO.1221 Djinn thử nghiệm bắn tên lửa chống tăng Nord SS.10, đây là chiếc trực thăng bắn được tên lửa có điều khiển đầu tiên trên thế giới. Đầu những năm 1960, Pháp đã trang bị súng máy, rocket cho trực thăng Piasecki H-21 tham gia chiến trường Algérie. Nhưng Mỹ mới là nước đã “cách mạng hóa” việc phát triển vũ khí hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ từ trực thăng vận tải.

Với sự ra đời của động cơ turbine phản lực, trực thăng có thể bay nhanh hơn và mang nặng hơn. Chiếc Bell 204 Huey (hay còn gọi là UH-1 Iroquois/ Huey) được Mỹ “vũ trang hạng nặng” bằng các loại súng máy, rocket, thậm chí là bom.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ lại muốn có một trực thăng hỗ trợ hoả lực kiểu mới, với khả năng tấn công tất cả các loại mục tiêu dưới mặt đất như xe tăng, xe bọc thép, lô cốt, bộ binh… thậm chí cả mục tiêu trên không.

Loại trực thăng này phải nhanh nhẹn, được trang bị tốt và khả năng sống sót trên chiến trường cao. Vì thế năm 1964, Mỹ cho ra đời chương trình AFSS (Advanced Fire Support System/ Hệ thống Hỗ trợ Hỏa lực Tiên tiến) với sự tham gia của 3 công ty. Đó là Bell Helicopter với Bell D-262, Sikorsky với Sikorsky S-66 và Lockheed với CL-840. Cuối cùng, Lockheed là công ty thắng cuộc và CL-840 được đổi tên thành AH-56 Cheyenne.

Trong khi AH-56 Cheyenne đang phát triển sau khi thắng cuộc trong chương trình AFSS thì chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn leo thang, vì vậy Mỹ muốn có một chiếc trực thăng hỗ trợ hỏa lực tạm thời phục vụ chiến trường.

Bell Helicopter đã cho ra đời một loại trực thăng hỗ trợ hỏa lực mới và cũng là trực thăng tấn công đầu tiên trên thế giới, Bell 209 Cobra (sau này là Cobra AH-1). Bay nhanh, khả năng sống sót cao trên chiến trường, nhỏ gọn, mang nhiều vũ khí nhằm hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh gồm 2 khẩu súng máy nòng xoay 7,62 mm, 4 giàn phóng rocket 70 mm Hydra. Sau này được trang bị thêm 8 tên lửa chống tăng có điều khiển BGM-71 TOW để diệt tăng, công sự. Quân đội Mỹ đã lựa chọn hẳn AH-1 Cobra làm trực thăng hỗ trợ hỏa lực và hủy dự án AH-56 Cheyenne vì có quá nhiều lỗi phát sinh và chi phí phát triển bị tăng cao.

Sau AH-1 Cobra và dự án chết yểu AH-56 Cheyenne, quân đội Mỹ muốn một loại trực thăng mạnh hơn AH-1 về khả năng mang vũ khí và tầm hoạt động, đủ khả năng đánh bại các trung đoàn tăng-thiết giáp của Liên Xô. Vì vậy, năm 1972, Lục quân Hoa Kỳ đã đề ra chương trình AAH (Advanced Attack Helicopter/Máy bay trực thăng tấn công). Từ 5 hãng sản xuất ban đầu là Boeing-Vertol, Bell, Hughes, Lockheed, và Sikorsky, các hãng cuối cùng được chọn là Hughes Aircraft (sau đó là Hughes Helicopters) với mẫu Model 77/YAH-64 và Bell Helicopter với mẫu YAH-63.

Nguyên mẫu YAH-64 đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào ngày 30 tháng 9 năm 1975. Năm 1976, Bell Helicopter đã bị Hughes hạ bệ và chiếc YAH-64 giành được chiến thắng. Sau khi hợp đồng sản xuất giữa Quân đội Mỹ và Hughes Helicopters được ký kết, dây chuyền sản xuất AH-64 chính thức đi vào hoạt động năm 1982. Năm 1983, chiếc AH-64 đầu tiên đã được xuất xưởng và bay thử nghiệm ở Mesa, Arizona.

Sau khi mua Hughes Helicopters vào năm 1984 với giá 500 triệu USD, McDonnell Douglas đã tiếp quản và đẩy mạnh tiến độ chương trình nghiên cứu, sản xuất AH-64. Tháng 4 năm 1986, AH-64 chính thức được đưa phục vụ trong biên chế của Quân đội Hoa Kỳ. Và sau khi McDonnell Douglas sáp nhập với Boeing vào năm 1997, hoạt động sản xuất tiếp tục được chi nhánh Boeing Defense, Space & Security duy trì. Tính đến hiện tại đã có hơn 2000 chiếc AH-64 Apache với nhiều biến thể đã được xuất xưởng.

Ngoài Hoa Kỳ, AH-64 còn được sản xuất theo giấy phép tại Vương quốc Anh bởi AgustaWestland Apache (phiên bản WAH-64) và tại Nhật Bản bởi Fuji Heavy Industries (FHI) (phiên bản AH-64DJ).[4]

Buồng lái của AH-64 Apache, trong ảnh là cựu quân nhân Ricky Schroder và con trai ông.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Boeing AH-64 Apache http://www.russianhelicopters.aero/ru/helicopters/... http://www.chinadaily.com.cn/world/2007-08/10/cont... http://airheadsfly.com/2014/03/09/algeria-48-attac... http://www.army-technology.com/news/newsus-armys-a... http://www.army-technology.com/projects/apache/ http://www.army-technology.com/projects/mi28/ http://www.aviationexplorer.com/apache_facts.htm http://www.bbc.com/news/world-europe-33754767 http://boeing.com/rotorcraft/military/ah64d/index.... http://www.boeing.com/features/2013/06/bds-apache-...